Mitsubishi Motors Vietnam

Header

Mitsubishi Outlander – Giá trị Nhật cho khách Việt

“Bên anh mới chuyển xe sang Nhật, đang đợi kiểm tra”.

Ông Võ Thành Tài – Tổng trưởng phòng Truyền thông và bán hàng Mitsubishi Việt Nam trả lời khi tôi hỏi về thời gian ra mắt xe Outlander lắp ráp trong nước. Đó là câu chuyện hồi tháng 12/2017, khi thông tin Outlander chuyển sang lắp ráp khiến các diễn đàn về xe cộ rục rịch, rằng hãng xe Nhật đã đi đúng hướng để tiếp cận thị trường, khi xe nhập khẩu gặp khó vào 2018.

Đến tháng 1/2018, Outlander ra mắt với giá từ từ 823-1.100 triệu, cả ba phiên bản đều thấp hơn gần 200 triệu so với xe nhập khẩu từ Nhật Bản trước đó. Để được hãng mẹ tại Nhật chấp nhận thay thế xe nhập bằng xe lắp, Mitsubishi Việt Nam phải nhập 100% linh kiện từ Nhật về lắp ráp, sau đó là chuyển xe thành phẩm ngược về Nhật để thẩm định chất lượng. Nếu tất cả suôn sẻ, Outlander lắp ráp mới có cơ hội lăn bánh ra khỏi nhà máy.

Bằng chứng cho sự chặt chẽ này của Mitsubishi là sự xuất hiện của ông Tsunehiro Kunimoto, Phó chủ tịch Mitsubishi Nhật Bản, cha đẻ của ngôn ngữ thiết kế Dynamic Shield trong buổi lễ ra mắt sản phẩm. Triết lý mới là cuộc lột xác khiến Outlander nổi bật trong danh mục sản phẩm của hãng và thay đổi hoàn toàn quan niệm của khách về Mitsubishi. Trước đây, nhắc đến xe “Mít su” là động cơ bền bỉ, khỏe, đầm. Nhưng với Outlander, một giá trị nữa đang cập nhật, đó là thiết kế trang nhã, trẻ trung và có gu.

“Bạn mua xe Outlander vì điều gì” là một câu hỏi trong bản khảo sát khách hàng của Mitsubishi Việt Nam với 13 yếu tố từ thiết kế ngoại thất, nội thất, chất lượng, thông số kỹ thuật, giá, vận hành… Đứng top là thiết kế ngoại thất với 17,1% khách hàng chọn mua vì ấn tượng với dáng xe. Chiếc crossover 5+2 có cách tạo hình cân đối và phù hợp nhất trong phân khúc để lắp 7 ghế cho một khung xe cỡ C.

Dynamic Shield giúp Outlander có khả năng nhận diện tốt hơn với mặt trước chữ X, lưới tản nhiệt hai thanh ngang mạ crôm sáng loáng. Đầu xe trông thể thao và dữ dằn, thậm chí có chút tinh nghịch. Đèn hậu chỉn chu hơn, cản sau cơ bắp. Trên bản cao cấp nhất 2.4 CVT Premium, đèn pha, đèn ban ngày và đèn hậu đều dạng LED.

Nội thất cũng được sắp xếp thân thiện với cả tài xế và hành khách. Các khe gió điều hòa trải dài theo chiều ngang giúp nội thất thêm rộng rãi. Bảng điều khiển trung tâm cũng đơn giản với các phím bấm tách biệt chức năng, hộc chứa điện thoại, ví phía trên cần số. Kiểu thiết kế vuông vức cũng giúp hành khách ngồi gọn vừa vặn ở tất cả các ghế, đầu không chạm trần dù với chiều cao khoảng 1,8m.

Giữa tháng 5, trời Hà Nội nắng như đổ lửa. Nhân viên của Mitsubishi mang xe tới giao cho tôi tại tòa soạn. Mở cửa chui vào hàng ghế sau để ngồi chờ cậu ấy làm xong thủ tục giấy tờ, tôi bị sốc nhiệt. Điều hòa tự động hai vùng lạnh sâu ở mức 23 độ, trong khi bên ngoài đang 37 độ. Định chỉnh bớt gió nhưng Outlander không có cửa gió cho hàng ghế thứ hai. Với điều hòa lạnh sâu, có lẽ tính toán của Mitsubishi cho thấy chỉ một hàng cửa gió phía trên là đủ.

Xong thủ tục, tôi nhận xe và lên ghế lái. Chân ga và phanh cao vừa mức, nút chọn các chế độ truyền động 4WD, phanh tay điện tử ngay dưới chân cần số. Màn hình DVD, trên vô-lăng các nút chỉnh đàm thoại rảnh tay, cruise control, âm lượng. Xong, đã ghi nhớ. Tất cả đều cơ bản và thuận tay, bạn chỉ cần 10 phút để làm quen, cả thời gian ngắm nghía, kết nối smartphone và chọn một bản nhạc để lên đường.

Tôi hẹn 6 đồng nghiệp nữa cho lộ trình đầu tiên, 40 km tới nơi ăn trưa ưa thích ở ngoại thành Hà Nội. Trong nhóm chỉ có hai phụ nữ, còn lại tới 3 người đàn ông chiều cao xung quanh ngưỡng 1,8 m, hai người 1,7 m. Phụ nữ được ưu tiên, vì thế hai đấng mày râu xuống cuối. Để ngồi thoải mái nhất ở hàng cuối, hàng ghế thứ hai cần đẩy lên khoảng 5 cm. Tất cả yên vị, xuất phát.

Ngoài điều hòa tự động ở đầu xe có thể thổi mát tới tận cuối, Outlander còn có tiện nghi hệ thống âm thanh 6 loa, ghế da với ghế lái chỉnh điện, hai ghế trước có sưởi, đèn pha, gạt mưa tự động, cửa sổ trời. Tất nhiên cửa sổ trời và sưởi ghế sẽ không dùng cho những ngày nhiệt độ luôn gần 40 độ C.

Để kéo trọng lượng xe hơn 1,6 tấn cùng 7 người lớn, bản 2.4 Premium được cung cấp sức mạnh bởi động cơ 2.4 MIVEC cho công suất 165 mã lực tại vòng tua máy 6.000 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 222 Nm tại 4.100 vòng/phút. Hộp số tự động vô cấp CVT, hệ dẫn động 4 bánh chủ động với các chế độ 4WD Eco, 4WD Auto và 4WD Lock.

Ấn nút 4WD ở bảng điều khiển trung tâm, chỉ cần chọn Eco hoặc Auto cho đi phố là đủ. Ở Eco, xe chỉ truyền động cầu trước, nhưng nếu phát hiện bánh có nguy cơ trượt, hệ thống vẫn chuyển sang 2 cầu. Tôi chọn Eco vì thường thích bắt đầu từ những thứ nhẹ nhàng, cơ bản nhất.

Trong phố, chở “full tải” 7 người, Outlander thể hiện rõ lợi thế thương hiệu. Động cơ tới 2.4 và mô-men xoắn 222 Nm nên xe không gặp chút khó khăn nào để vận hành linh hoạt. Vô-lăng trợ lực điện đủ nhẹ để xoay xở khi đường đông. Độ cách âm khi di chuyển trong phố có phần nhỉnh hơn CR-V khi loại bỏ phần lớn tạp âm đường phố và tiếng động cơ. Ông Kunimoto – cha đẻ của thiết kế Dynamic Shield cho biết Outlander cách âm tốt nhờ bổ sung vật liệu cách âm vốn áp dụng trên các dòng xe cao cấp.

Ra đường cao tốc là lúc Outlander có cơ hội thể hiện nhiều hơn. Chuyển sang 4WD Auto. Đây là lúc xe truyền động tất cả các bánh toàn thời gian và tùy thuộc điều kiện mặt đường như khô ráo, trơn ướt hay thậm chí có tuyết. Chế độ này không chỉ giúp xe chủ động sức kéo, bám đường tốt hơn mà còn vào cua mượt mà hơn.

Trên cao tốc Hòa Lạc, mọi người đang vui vẻ tán gẫu, ga đều đều 70 km/h ở làn ngoài, tôi bất ngờ vẩy xi-nhan trái nhập vào làn trong sát dải phân cách, đạp mạnh ga. Hộp số CVT giúp xe tăng tốc liền mạch, không giật cục mỗi lần chuyển số như hộp số có cấp. Động cơ 2.4 gặp một tài xế “to chân” thì khó lòng kiểm soát. Bạn bè ngồi ở ghế sau được phen lao đầu về trước khi tôi phanh gấp dù đã thắt dây an toàn. Tôi cười khoan khoái, mặc cho phía sau, đám bạn đang mắng mỏ vì tăng tốc mà không báo trước.

Trên cao tốc, Outlander thể hiện rõ một trong những ưu điểm của mình là cách âm. Chuyển từ tốc độ 80 km/h lên 120 km/h, bạn sẽ không cần phải tăng nhạc thêm nhiều mức âm lượng như kiểu thường thấy trên xe phổ thông. Tất nhiên, tiếng lốp miết lên mặt đường không thể thiếu, giúp tài xế cảm nhận tốt nhất về điều kiện di chuyển. Hộp số CVT giúp xe tăng tốc liền mạch, không giật cục mỗi lần chuyển số như hộp số có cấp. Sự ưu việt của loại hộp số vô cấp đang là lựa chọn tối ưu nhất hiện nay để đảm bảo vận hành mà vẫn đạt mục tiêu tiết kiệm nhiên liệu. Dù đang ở dải tốc độ nào, chỉ cần nháy ga là xe hiểu và phản ứng lăn ngay lập tức, bởi không mất độ trễ để chuyển số.

Với những vùng lên xuống liên tục của mặt đường, hệ khung gầm RISE và giảm xóc êm nuốt gọn. Hệ thống treo sau Outlander không cứng kiểu thể thao như CR-V, nhờ đó hành khách không có cảm giác bị xóc. Chạy liên tục ở 100 km/h vẫn dư chân ga. Để tăng thêm cảm xúc, tôi sử dụng lẫy chuyển số trên vô-lăng. Thấy xe phía trước chạy chậm mà vẫn cố thủ ở làn trái, tôi xi-nhan xin đường, nháy đèn khi tài xế này hơi “gan lì”, gảy lẫy bên trái hạ xuống một cấp số ảo, lút ga, xe lùa một đường dứt khoát, bỏ lại kẻ ngáng đường ở phía sau, nhỏ dần qua gương chiếu hậu. Nhiều người lo ngại hộp số CVT sẽ làm mất đi sự hứng khởi khi lái bởi không có những lần lên, xuống số. Đừng lo nếu xe bạn trang bị lẫy chuyển số trên vô-lăng. Xe có tới 6 cấp số ảo, dùng lẫy bên trái vô-lăng để xuống số, lẫy bên phải để lên số, lúc này xe không khác gì loại hộp số có cấp.

Mitsubishi Outlander vận hành thể thao là thế, nhưng mức tiêu thụ nhiên liệu khoảng 8-9 lít/100 km đường hỗn hợp nếu đi bình thản, không theo kiểu phóng nhanh phanh gấp đốt từng cốc xăng. Mức tiêu thụ cho một mẫu crossover 7 chỗ tương tự sedan mang tới cảm giác yên tâm về chi phí sử dụng cho các khách hàng, ngay cả người không quá dư dả tài chính. Thực tế, khách hàng mua Outlander nằm nhiều nhất ở tầm thu nhập 10-20 triệu, tới gần một nửa trong số 60% khách hàng mua xe tiết lộ thu nhập. Để nuôi Outlander, bạn không cần phải quá giàu có.

Sau bữa trưa ưng ý, tôi trả mọi người về công việc để tiếp tục khám phá chế độ cuối cùng của xe, off-road. Chạy một mạch lên Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, nơi địa hình có đủ từ tự nhiên tới nhân tạo để leo dốc, lọt hố, lội nước hay bùn lầy. Dừng ở chân đồi, chọn 4WD Lock để khóa vi sai trung tâm. Lúc này cả hai cầu sẽ nhận được lượng mô-men xoắn như nhau, chống trượt. Vững vô-lăng, giữ đều ga, Outlander từ từ lao lên dốc, người bị hất lên xuống, sang trái phải liên tục. Chẳng may phải dừng giữa dốc, hệ thống khởi hành ngang dốc sẽ hỗ trợ giữ phanh khi chuyển từ chân phanh sang chân ga.

Chỉ chinh phục vài quả đồi như vậy, có lẽ bữa trưa sẽ nhanh chóng tiêu hóa hết lúc nào không hay. Lên tới đỉnh đồi là vùng đất bằng phẳng, hứng chí vẽ vài vòng tròn, bụi tung mù mịt, tưởng tượng như mình đang ở giải đua Dakar Rally. Sẵn adrenalin vừa tiết ra, bây giờ là tìm đường xuống. Đây rồi một lối cao lút tầm nhìn, đẩy sỏi to nhỏ các loại lẫn cỏ.

Cũng hơi ái ngại nhưng tôi vẫn liều mình phi xuống. Ở tư thế lao từ trên đỉnh xuống dốc, bạn sẽ thấy gì? Không gì cả ngoài bầu trời trước mặt, tài xế chỉ có nhiệm vụ rà phanh và vững tay lái, được nửa dốc con đường phía dưới mới hiện ra. Mỗi lần hơi nhả phanh, cả hệ thống cơ khí dịch chuyển, tiếng nhả phanh rồi lại đóng phanh kình kịch. Off-road phải kiên trì, không dành cho người thích đạp là chạy.

Thử thách chưa dừng lại, ngay dưới dốc là những vũng bùn lầy lội. Mở cửa xe xuống thăm dò bằng một chiếc que, mực nước không sâu quá nửa bánh xe. Ok, lội. Trống ngực đánh thình thịch, tôi cũng khá run, chẳng may xe không qua nổi, lại phải gọi cứu hộ lên thì thật xấu hổ. Đầu nghĩ thế, nhưng chân vẫn cứ phăm phăm giữ ga. Ồ xe chạy rồi, không bị xoay tít bánh. Qua 2 m, 5 m rồi 10 m, cuối cùng cũng qua được hố dài gần 20 m. Chiếc xe trắng lấm lem bùn đất. Nghĩ đến đó lại thương cậu bé rửa xe quán quen, rất nhiệt tình nên hay gặp phải xe “lội ruộng”.

Outlander phù hợp nhiều loại địa hình và mục đích sử dụng. Có khoảng 73% khách hàng mua Outlander là cá nhân, còn lại 27% sử dụng cho công ty ở nhiều lĩnh vực từ thương mại, xây dựng, sản xuất, vận chuyển, tài chính, bất động sản… Đặc biệt, có tới 76% khách hàng mua xe lần đầu chọn Outlander, những người chưa từng có kinh nghiệm sử dụng xe bốn bánh.

Từ khi ra mắt, doanh số Outlander lắp ráp tăng đều đặn, cao hơn so với xe nhập khẩu trước đó. Tháng 4, Outlander CKD bán 236 chiếc, tức gấp đôi tháng 12, khi còn bán xe nhập khẩu. Mức giá hiện nay 823 – 942 – 1.100 triệu cho ba phiên bản 2.0 CVT, 2.0 CVT Premium và 2.4 CVT Premium, mức giá cạnh tranh nhất trong phân khúc. Những thay đổi trong chính sách sản phẩm của Mitsubishi Việt Nam làm giảm giá, giúp khách hàng tiếp cận dễ hơn trong bối cảnh thị trường thiếu xe nhập khẩu, chưa biết khi nào mới dồi dào trở lại.

Bạn muốn làm gì tiếp theo?

Bạn có thể tìm kiếm thêm thông tin liên quan từ menu bên dưới